• Tiếng Việt
  • English

Doanh nhân Bùi Thanh Trúc và khát vọng xây dựng cho Đồng Nai một vùng đô thị văn minh – hiện đại

Doanh nhân Bùi Thanh Trúc và khát vọng xây dựng cho Đồng Nai một vùng đô thị văn minh – hiện đại

Nằm trong vùng tứ giác kinh tế Đông Nam bộ, là nơi tập trung của hàng chục KCN với lực lượng lao động và chuyên gia cực lớn, song, Đồng Nai hiện chưa có một đô thị xứng tầm. Trăn trở trước thực trạng này, doanh nhân Bùi Thanh Trúc, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn DONACOOP đã dồn hết sức lực và tâm huyết để quy hoạch dự án Khu đô thị sinh thái Kinh tế mở Long Hưng diện tích hơn 1.300ha với mục tiêu: xây dựng cho Đồng Nai một đô thị văn minh, hiện đại, đẳng cấp, có thể sánh ngang với nhiều thành phố hiện đại trên thế giới.

 

 

Từ vùng đất hoang hóa…

Xã Long Hưng trước đây nằm trên địa bàn 7 xã nghèo thuộc huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai (nay thuộc thành phố Biên Hòa). Dù nằm sát kề với trung tâm Biên Hòa và chỉ cách TP.Hồ Chí Minh khoảng 15km, nhưng khu vực này kết nối giao thông với QL 51 chỉ có một cây cầu sắt thô sơ, hạ tầng yếu kém, đất nhiễm mặn, chua phèn không sản xuất được, nên cuộc sống của người dân hết sức khó khăn. Không có thu nhập ổn định, đời sống bấp bênh, đa số người dân đành phải cắt đất bán cho các đầu nậu, các lò gạch để “ăn dần”, khiến vùng đất tụt hậu này ngày càng trở nên hoang hóa, tiêu điều.

 

Từ năm 2005, trước làn sóng bất động sản tăng cao, giới đầu cơ cũng đổ xô về đây mua đất, nhưng mua rồi lại để đó chờ giá, khiến nhiều khu vực trở nên nhếch nhác. Trước thực trạng đó, ông Bùi Thanh Trúc với tư cách là Trưởng ban Quản trị Hợp tác xã Long Hưng lúc đó, đã đứng ra vận động các hợp tác xã có năng lực trong hệ thống Liên minh Hợp tác xã tỉnh Đồng Nai cùng tham gia, thành lập nên Liên hiệp Hợp tác xã Dịch vụ Nông nghiệp Tổng hợp Đồng Nai (DonaCoop). Ông Bùi Thanh Trúc được tín nhiệm bầu làm Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Tổng giám đốc với trọng trách “đầu tàu” làm giàu cho xã viên.

 

Ngay sau khi DonaCoop được thành lập, ông Bùi Thanh Trúc đã mạnh dạn đề xuất với Tỉnh Ủy, UBND Tỉnh Đồng Nai chuyển đổi vùng đất vốn nghèo khó, không thể canh tác, mà hàng năm nhà nước phải bù chi ngân sách, để trở thành một khu đô thị xanh, gắn với nhiệm vụ phục vụ, cải thiện đời sống cho dân, trở thành địa bàn giãn dân cho thành phố Biên Hòa đang ngày càng chật chội, đồng thời tạo nên không gian hiện đại, trong lành, hấp dẫn đối với mọi thành phần kinh tế.

 

Với quy hoạch 35 Khu – Cụm Công nghiệp Đồng Nai, thu hút lực lượng chuyên gia nước ngoài rất đông đảo, nhưng không có nơi ở như mong muốn. Hằng ngày, họ phải di chuyển đi-về giữa Đồng Nai và thành phố Hồ Chí Minh vừa bất tiện, vừa tốn kém thời gian, và gây nên áp lực giao thông rất lớn. Trong khi đó Thành phố Biên Hòa sau quá trình phát triển như là “chiếc áo đã quá chật”, không còn mở rộng – làm mới, mà chỉ có thể chỉnh trang. Từ đó tỉnh Đồng Nai có ý tưởng phát triển đô thị Biên Hòa về phía Nam kề cận với TP.HCM để bước vào thế liên hoàn nối thông với quận 9, quận Thủ Đức. Từ đó, xã Long Hưng, Tam Phước, Phước Tân và An Hòa thuộc huyện Long Thành (nay thuộc TP. Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai) được định hình trong tâm tưởng các nhà quy hoạch hàng đầu tỉnh Đồng Nai, đón đợi một sự tất yếu trong tầm nhìn chiến lược về không gian phát triển đô thị, như Nghị quyết Đảng bộ tỉnh Đồng Nai cũng xác định: khu vực này là khu đô thị mới của TP. Biên Hòa.

 

Phối cảnh bản vẽ thiết kế toàn phần Dự án Khu đô thị sinh thái Kinh tế mở Long Hưng

…Đến khu đô thị hiện đại bậc nhất

Sau khi có chủ trương của tỉnh Đồng Nai cho phép lập dự án, ông Bùi Thanh Trúc đã làm quy hoạch toàn bộ xã Long Hưng với diện tích hơn 1.300 Ha với mục tiêu hình thành nên một đô thị văn minh, hiện đại, có thể sánh ngang với thành phố hiện đại Singapore. Dự án Khu đô thị sinh thái Kinh tế mở Long Hưng được tượng hình kể từ khi có “làn gió đổi mới” của Đảng, Nhà nước và lãnh đạo tỉnh về chuyển dịch cơ cấu kinh tế và đổi mới phương thức hoạt động của hệ thống kinh tế tập thể.

 

Ảnh trái: Ông Bùi Thanh Trúc (thứ 2 từ trái sang) nhận Giấy phép Đầu tư Dự án

Ảnh phải: Đồng chí Trương Tấn Sang – UV BCT Thường trực Ban Bí thư nghe báo cáo hoạt động của DONACOOP theo NQ TW5.

 

Nói về lý do quy hoạch diện tích toàn xã Long Hưng với hơn 1.300 Ha (gấp 4 lần Phú Mỹ Hưng, TP.HCM) ông Bùi Thanh Trúc cho biết: “Xã Long Hưng là vùng đất bán ngập, mỗi lúc thủy triều lên có nơi ngập tới 0,5m và mỗi năm ngập tăng lên từ 5cm-10cm. Rút kinh nghiệm từ các đô thị đi trước như thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội…tôi muốn Khu đô thị sinh thái Kinh tế mở Long Hưng phải làm bài bản hơn, vì thế trong khâu lựa chọn đối tác cũng cân nhắc rất kỹ càng”

 

Với bề dày kinh nghiệm trong tài chính, đầu tư xây dựng, và kinh doanh bất động sản, các nhà thầu quốc tế uy tín như: GHD của Úc, AECOM của Mỹ và các nhà đầu tư uy tín như: Keppel Land (Singapore), Tập đoàn VinaCapital (Anh Quốc) và Công ty cổ phần An Phú Long (TP. Hồ Chí Minh) đã nhanh chóng tìm được đối tác Việt Nam có đủ tâm huyết và tầm nhìn dài rộng trong tương lai là Tập đoàn DonaCoop để cùng một tiếng nói chung, cùng chung tay thực hiện Dự án. Để biến ước vọng đó thành hiện thực, 2 liên doanh lần lượt ra đời: Công ty liên doanh phát triển đô thị Waterfront, Công ty liên doanh phát triển bất động sản AquaCity. Năm 2008 là thời điểm những người đứng đầu của Tập đoàn Keppel Land (một tập đoàn hàng đầu của Singapore về bất động sản), Tập đoàn VinaCapital Anh Quốc đã xăng xái dấn bước cùng Tập đoàn DonaCoop đầu tư thực hiện dự án với số vốn ban đầu lên đến 1 tỉ 250 triệu dollards, và trong tương lai sẽ đến mức 10 tỉ dollards khi hoàn thành dự án.

 

Trong giai đoạn khởi đầu, các đơn vị liên doanh đã nỗ lực triển khai các bước đi cần thiết: từ đền bù, giải phóng mặt bằng, xây dựng giao thông và hạ tầng cơ sở, nhằm có quỹ đất sạch cho kế hoạch đầu tư của các công ty liên doanh trong thời gian tới, đến việc xây dựng các khu tạm cư và tái định cư cho toàn bộ người dân trong vùng quy hoạch có nơi ở ổn định, và tạo việc làm cho hàng trăm lao động tại chỗ có cuộc sống tốt hơn trước đây.

 

Năm 2012, công tác đền bù, giải tỏa, tái định cư dự án cơ bản đã hoàn thành, và triển khai hoàn tất Giai đoạn 1 đầu tư hạ tầng cơ sở. Đến cuối năm 2015, DonaCoop đã hoàn thành xây dựng 500 căn nhà tái định cư, trường học, trạm y tế và xây tặng trụ sở hành chính cho chính quyền xã Long Hưng, TP Biên Hòa. Theo ông Trúc, mối quan tâm bậc nhất của DonaCoop và các đơn vị liên doanh là mang lại giá trị gia tăng cho nhân dân địa phương và cư dân của cả nước đến sinh sống tại dự án đô thị thuộc diện đẳng cấp quốc tế này. Hiện nay, DonaCoop đang tổng lực triển khai đồng bộ hạ tầng kỹ thuật, nâng cao cốt nền chống nước biển dâng, tăng cường xây dựng hệ thống giao thông kết nối thuận lợi để mời gọi các nhà đầu tư thứ phát bỏ vốn đầu tư vào dự án.

 

Không ảnh: Khu đô thị sinh thái Kinh tế mở Long Hưng nhìn từ máy bay

 

Khu đô thị sinh thái Kinh tế mở Long Hưng có vị trí “độc nhất vô nhị“, vì đây là dự án có gần 45km đường sông bao quanh, sinh thái không bị ô nhiễm của hoạt động công nghiệp, nền đất tốt, mưa thuận gió hòa, cư dân đông đúc, liền kề với TP.HCM, và là cửa ngõ ra Bắc vào Nam với tuyến QL1, nối thông với đường biển bằng QL51. Ông Trúc cho biết, dự án có không gian rộng đến 1.300 hetta, được 3 con sông Đồng Nai, sông Bến Gỗ và sông Trong bao bọc, sinh thái tinh khiết như thuở 300 năm trước Chưởng cơ Nguyễn Hữu Cảnh vào Nam mở mang bờ cõi. “Đây là vùng đất đáng sống bậc nhất hiện nay” – ông Trúc chia sẻ. “Ngoài việc phục vụ cho người dân địa phương, chúng tôi muốn hướng đến đối tượng là các chuyên gia nước ngoài đang làm việc tại Đồng Nai. Làm sao để giữ chân họ là bài toán chúng tôi luôn tính đến. Phát triển đô thị chưa đủ, mà còn phải phát triển dịch vụ hữu ích khác để người dân và các nhà đầu tư được hưởng lợi. Trong quy hoạch đô thị, chúng tôi còn chú trọng đầu tư xây dựng hai bến tàu du lịch để thu hút du khách và nơi phục vụ neo đậu du thuyền tại khu biệt thự ven sông của các thương gia tầm cỡ thế giới đến với Đồng Nai, đầu tư mua bất động sản lại Dự án”.

Cống hiến và đặt lợi ích người dân lên hàng đầu

Làm dự án hàng ngàn héc-ta, lại nằm ngay trong vùng đông dân, nhưng DonaCoop luôn được nhân dân trên địa bàn đồng thuận ủng hộ, nhờ đó tiến độ đền bù, giải phóng mặt bằng được thuận lợi, nhanh chóng. Nguyên nhân để có được sự đồng thuận này do DonaCoop làm tốt chính sách tái định cư cho người dân, đúng như tinh thần Nghị quyết 06 của Tỉnh ủy Đồng Nai đề ra: “Làm sao nơi ở mới của người dân phải tốt hơn nơi ở cũ”.

 

Ảnh trái: Một góc Khu đô thị sinh thái Kinh tế mở Long Hưng – Ảnh phải: Bờ kè sông Bến Gỗ trong giai đoạn hoàn thiện.

 

Bên cạnh bố trí tái định cư, DonaCoop còn tạo việc làm cho dân trong diện giải tỏa, như: lái xe cơ giới thi công, vận tải hàng hóa, nuôi trồng cây xanh, thợ xây, thợ máy, nhân viên hành chính, kế toán, kĩ sư địa chất, cầu đường, công nghệ thông tin,…những công việc mà DonaCoop đang triển khai trên công trường. Một dự án lớn cả ngàn héc-ta mà được người dân đồng thuận cao là rất khó, nhưng DonaCoop đã làm được. Đây là kết quả của tính thiết thực, tính nhân hòa, sự cân bằng lợi ích, xuất phát từ trái tim của Nhà đầu tư, cộng với nỗ lực của chính quyền địa phương về “dân vận khéo”, giúp cho dân hiểu và sẵn lòng ủng hộ. Có rất nhiều doanh nghiệp, đoàn công tác của Trung ương và các địa phương cả nước đến học tập kinh nghiệm về cách làm “Vì dân” của DonaCoop.

 

Nhà tái định cư và nhà mẫu mặt tiền đường 21m tại Khu đô thị sinh thái Kinh tế mở Long Hưng

 

Sinh ra và lớn lên tại Đồng Nai, “vào sinh ra tử” ở chiến trường Tây Nam, bôn ba khắp nơi để tích lũy kinh nghiệm, vốn sống và rồi lại quay trở về đất mẹ để đầu tư kinh doanh, người Cựu sĩ quan Quân đội Nhân dân Bùi Thanh Trúc đã nỗ lực hết mình như trong thời chiến, hòa mình với nhịp bước sôi động của nền kinh tế ngày một cởi mở, kiến tạo mô hình kinh tế tập thể cho riêng mình và tập thể xã viên, đóng góp đáng kể cho sự nghiệp công nghiệp hóa-hiện đại hóa của Đồng Nai.

 

Được biết, gần 300 cán bộ, nhân viên của Tập đoàn DonaCoop có mức thu nhập từ 6 đến 12 triệu đồng/tháng, bên cạnh đó lực lượng lao động gián tiếp thường xuyên với gần 1.000 người lao động có mức lương ổn định từ 6 triệu đồng/tháng trở lên. 10 năm qua, DonaCoop và các đối tác đã ủng hộ trên 60 tỷ đồng cho công tác từ thiện, xã hội. Đến nay, DonaCoop đã nộp thuế cho Nhà nước gần 600 tỷ đồng; nguồn tài chính độc lập của Tập đoàn đã tăng từ 100 tỷ đồng từ ngày thành lập, đến nay đã lên hơn 1.500 tỷ đồng.

 

Ảnh trái: Chân dung ông Bùi Thanh Trúc tại Lễ Tôn vinh “Doanh nhân xuất sắc tỉnh Đồng Nai 2016”

Ảnh phải: Đại diện UBND tỉnh Đồng Nai tặng hoa cho ông Bùi Thanh Trúc tại Lễ Bàn giao Trụ sở hành chính UBND xã Long Hưng do Tập đoàn DONACOOP xây tặng.

 

Ngoài dự án đồ sộ Khu đô thị sinh thái Kinh tế mở Long Hưng, doanh nhân Bùi Thanh Trúc đã tiên phong đầu tư nhiều dự án có tính cách tân, đón đầu xu thế phát triển xã hội tương lai, như: Dự án Trung tâm Thương mại Long Thành Plaza cao 22 tầng nhằm phục vụ hậu cần – dịch vụ cho Dự án Sân bay Quốc Tế Long Thành; Dự án đầu tư khai thác đất đá tại mỏ đá Tân Cang 6 để làm chủ nguồn VLXD cho hàng chục năm về sau, Dự án Công viên Nghĩa trang An viên Vĩnh Hằng dành cho người đã khuất và tâm linh của hậu thế; Dự án hạ tầng nhà ở xã hội tại xã Tam Phước…Các dự  án do doanh nhân Bùi Thanh Trúc đầu tư đang ngày càng dành được thiện cảm của xã hội, tạo nên dấu ấn công trình phát triển kinh tế – xã hội bền vững, tích cực cho địa phương.

 

Ảnh trái: Đồng chí Trương Tấn Sang – UV BCT – Chủ tịch Nước đến thăm Đền thờ Liệt sĩ Miền Đông Nam bộ do Tập đoàn DONACOOP đầu tư xây dựng tại vùng chiến khu trước đây trên địa bàn huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai.
Ảnh phải: Khoảng khắc nhận bảng vàng vinh danh “Doanh nhân xuất sắc tỉnh Đồng Nai 2016” của ông Bùi Thanh Trúc – Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn DONACOOP

Hơn một thập niên hình thành và phát triển, dưới sự điều hành của doanh nhân Bùi Thanh Trúc, Tập đoàn DonaCoop giờ đây là cánh chim đầu đàn của mô hình kinh tế tập thể tỉnh Đồng Nai và của cả nước theo định hướng Nghị quyết TW 5 của Đảng. Với những cống hiến không mệt mỏi, trong 10 năm qua, Tập đoàn DonaCoop liên tục được tuyên dương “Doanh nghiệp Xuất sắc tỉnh Đồng Nai”, và cũng mười 10 năm liên tục ông Bùi Thanh Trúc là “Doanh nhân Xuất sắc” của cả nước, được vinh dự nhận Huân chương Lao động hạng Hai đối với tập thể; cá nhân ông cũng được ghi nhận công lao với Huân chương Lao động hạng Ba; và 2 lần được nhận Cúp Thánh Gióng “Doanh nhân Việt Nam tiêu biểu” do VCCI công nhận và trao tặng.

 

Thành tích lớn, hoài bão lớn thì trọng trách lại càng nặng nề. Doanh nhân Bùi Thanh Trúc vẫn tiếp tục hành trình với khát vọng không ngừng nghỉ, là làm sao đóng góp cho Việt Nam phát triển với những đô thị hiện đại, sánh vai với nền văn minh của thế giới, người dân được sống trong môi trường sinh thái trong lành, tiện nghi, thông minh, hài hòa, mang lại sức khỏe và hạnh phúc cho con người. “Không khác gì Singapore, Khu đô thị sinh thái Kinh tế mở Long Hưng phải là vùng đất kiểu mẫu của thế giới tương lai, một kỳ quan vùng sông nước, hòa nhập tích cực với nền văn minh của thế giới, và là nơi đáng sống của các thương gia, nhà trí thức, của cư dân vùng Đông Nam bộ nói riêng và người dân cả nước nói chung” – đó là trăn trở của ông.

 

Quốc Hưng – Hồng Việt

 

Bài viết liên quan